Bộ Y tế ra khuyến cáo, sau bão lũ môi trường bị ô nhiễm nặng nề, vệ sinh nguồn nước không đảm bảo là điều kiện thuận lợi để bùng phát các bệnh như tiêu chảy, thương hàn, sốt xuất huyết, tay chân miệng, nước ăn chân…
![[Caption]](https://phunuvn.vn/wp-content/uploads/2022/10/dichbenh1-8331-1385178490.jpg)
Các tỉnh miền Trung vừa trải qua đợt lũ lịch sử, dù nước đã rút nhưng nhiều nhà dân vẫn ngập trong bùn đất. Theo Bộ Y tế, hiện tượng úng ngập, các loại nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, hóa chất hòa lẫn nguồn nước ăn uống và sinh hoạt của người dân khiến vệ sinh nguồn nước không đảm bảo.
Bên cạnh đó, nguồn nước tù đọng, thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện cho các loại côn trùng, véctơ truyền bệnh phát triển mạnh. Sự phân hủy của các loại xác động vật, thực vật trong quá trình ngâm nước làm phát triển các mầm bệnh như các loại virus, vi khuẩn. Mầm bệnh phát triển, sức đề kháng của người dân giảm sút, vệ sinh môi trường không đảm bảo là điều kiện thuận lợi dịch bệnh bùng phát.
Vì thế, để phòng ngừa, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân phối hợp y tế, chính quyền địa phương chủ động xử lý các nguồn nước sinh hoạt, thau rửa bể nước, khử trùng nước giếng bằng cloramin B hoặc viên Aquatabs 67mg… Vệ sinh môi trường với nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom xử lý, chôn xác động vật; xử lý các ổ nước đọng và các vật dụng chứa nước không để muỗi phát triển. Sử dụng vôi bột hoặc các hoá chất được Bộ Y tế chỉ định để xử lý khi chôn cất. Phun hoá chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Các cơ sở y tế tăng cường công tác giám sát ca bệnh truyền nhiễm và tuyên truyền các phòng bệnh trong cộng đồng, người dân không nên chủ quan đối với dịch bệnh.
Phương Trang
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net