Sau mỗi buổi tập, Nguyễn Huyền Ly không thể cử động được vì bị bẻ cơ. Là con nhà nòi nhưng những vất vả lúc luyện tập làm thiếu nữ nhiều khi muốn bỏ cuộc.

Trên sàn tập trải thảm, Ly (15 tuổi, học viên Trường Trung cấp Xiếc và tạp kỹ Việt Nam) trồng cây chuối trên bễ gỗ rồi từ từ cong mình, gập hai chân lên đầu theo hướng dẫn của cô giáo. Khuôn mặt căng thẳng, ửng đỏ của Ly gồng lên chịu đựng mỗi lần phải ép sâu xuống và giữ nguyên một lúc. Bàn tay Ly xòe ra bám chặt lấy mặt thảm để làm bễ đỡ cả thân hình cô gái đang tạo dáng bên trên.
Suốt buổi tập, cơ thể cô bé hết gập vào, mở ra rồi uốn dẻo theo những động tác khó cùng người chị song sinh. Gần hết giờ tập, cả hai bắt đầu cảm thấy uể oải và bị cô giáo nhắc làm đi làm lại nhiều lần cho thuần thục.
Sinh ra trong gia đình có bà là nghệ sĩ xiếc, chị em Ly được bà hướng vào ngành từ khi 11 tuổi. Lúc còn nhỏ, hai chị em hay được bà đưa đi xem biểu diễn nên cả hai thích xiếc và cũng muốn ngày nào đó được đứng trên sân khấu.
Hiện các học viên xiếc học hệ 5 năm. Hai năm đầu, các em sẽ được học cơ bản thăng bằng, nhào lộn, thể thao và tung hứng. Dựa vào năng khiếu và kết quả học tập của hai năm này, học sinh được chia theo chuyên ngành vào năm thứ ba để luyện tập chuyên sâu. Nếu có tố chất, nhiều học viên có thể tập được từ 3 đến 4 tiết mục.

Với Ly, năm đầu tiên thật nhẹ nhàng nhưng đến năm thứ hai, chị em cô bắt đầu nản vì cảm thấy “quá khó đối với mình”. Nhắc lại những ngày đầu mới bị bẻ dẻo, Ly nhớ như in cảm giác ê ẩm, không động đậy được vào mỗi sớm hôm sau.
“Không dẻo mà bị bẻ dẻo thì đương nhiên rất khổ. Lúc đầu tập, các cô nắn cho chỉ hơi căng một tí. Dần dần bớt đau, em mới lên đệm, lên mễ cứng bẻ xuống, lúc nào chân chạm đất thì không thấy đau nữa”, Ly chia sẻ.
Những ngày mùa đông, khởi động mãi vẫn chưa thấy cơ dẻo ra, hai chị em đành phải chịu đau. Nhiều động tác mới tập mãi không được, Ly ức chế đến phát khóc. Lúc thực hiện được rồi, cảm giác thật nhẹ nhõm, Ly chỉ muốn thực hành nhiều lần mà không chán.
Đau đớn và khó khăn nên thời gian đầu lúc nào hai chị em cũng muốn dừng lại. Ly kể, tối đến chị em cô rủ nhau ngày mai viết đơn xin nghỉ học, nhưng sáng hôm sau quên mất ý định ấy và lại vội vàng đến phòng tập. Ngày nào cũng như vậy rồi dần dần quen, đến giờ cặp song sinh này đã là những học viên năm cuối.
Vào nghề xiếc muộn hơn Ly, Đinh Công Đức (18 tuổi) và San Keng Huy (người Campuchia, 21 tuổi) giờ mới học năm thứ 4. Gia đình khó khăn, muốn có một nghề kiếm sống và mong bố mẹ được nở mày nở mặt, Đức và San chọn xiếc. Vượt qua ba vòng thi tuyển, họ háo hức nhập học với ước mơ trở thành nghệ sĩ.
Cũng giống các bạn nữ, học viên nam lúc bắt đầu học luôn sợ động tác dẻo, dẻo ba chiều, dẻo lưng. Cơ cứng lại chưa từng xoạc bao giờ nên Đức và San mất nhiều tháng mới quen. Nhiều buổi tập xong, toàn thân Đức đau ê ẩm còn San không đi nổi vì đau háng.
Do học xiếc khi cơ thể đã phát triển hoàn chỉnh nên lúc vào tiết mục, cả Đức và San không phù hợp làm “con” (diễn viên biểu diễn động tác chính) mà chỉ trụ bên dưới. Tiết mục nhào lộn trên sào của Đức được đánh giá là khó và nguy hiểm. Là trụ nên Đức phải có sức khỏe, độ tinh nhạy và cảm giác tốt để bắt được nhịp của “con”.
Cường độ nặng hơn, ngày nào San cũng phải tập liên tục 3 tiết mục. Với cậu, tiết mục dây căng khó thực hiện nhất vì phải đứng trên cao và chỉ dựa vào sào để giữ thăng bằng. Để đứng vững trên dây, San phải lái sào sao cho không bị nghiêng ngả, mắt luôn tập trung vào một điểm phía trước, chân đi trên một đường thẳng. Ban đầu, San tập làm đế cho một “con” rồi dần dần tăng lên hai “con”. Suốt một tháng, San chỉ tập cầm sào, tập lái cho biết cảm giác, sau đó mới làm trụ.
Nói tiếng Việt khá sõi, San mô tả: “Một mình đi trên dây đã khó, không cẩn thận là ngã dập mặt xuống đất hoặc chạy vấp rách cả chân, giờ có thêm một người nữa đứng trên vai, trồng cây chuối trên đầu thì không còn nhẹ nhàng nữa. Lúc ấy, cơ thể khó giữ thăng bằng và thường bị đổ trái, đổ phải”.

Một ngày mới của các học viên xiếc thường bắt đầu từ lúc 6h30 sáng. Ăn sáng xong, tùy theo lịch, họ sẽ học cơ bản từ 7h đến 9h sau đó tập tiết mục suốt ba tiếng rồi nghỉ trưa trước khi bắt đầu ca học văn hóa lúc 14h. Học xong, họ lại tranh thủ tới phòng tập đến 19h mới nghỉ.
Do phải tập luyện những động tác khó và nguy hiểm nên chấn thương đến với họ xảy ra thường xuyên, nhẹ thì trầy xước, bong gân, nặng thì gãy tay, chân, xương vai hay ngã từ trên cao xuống. Để đảm bảo an toàn và hạn chế chấn thương khi tập, học viên được trang bị đệm dày, lưới và dây thừng bảo hiểm.
Với các học viên xiếc, được đứng trên sân khấu là ước mơ thường trực cả trong giấc ngủ. Lần được tham gia cùng trường biểu diễn dịp 1000 năm Thăng Long và Hội khỏe Phù Đổng khiến Đức có thêm động lực, niềm tin vào con đường mình chọn.
Còn Ly, được đi phụ cùng bà trên sân khấu và nhận nhiều lời khen ngợi giúp cô nuôi dưỡng lòng đam mê. Khác với Ly và Đức, sinh viên Campuchia như San chỉ học 4 năm. Sau khi về nước, San mong muốn được làm việc trong đoàn xiếc và truyền nghề lại cho lớp sau.
Video học viên trường xiếc khổ luyện
Bình Minh
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net